Có thể giải quyết bằng pháp luật quốc tế
TT - Phiên cuối cùng của hội thảo về biển Đông diễn ra sáng 27-11 với chủ đề “Biển Đông: tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực”.
Các học giả cho rằng tranh chấp phức tạp trên biển Đông không có nghĩa là các bên không thể giải quyết bằng pháp luật quốc tế, trong đó các bên có thể tiến hành đàm phán song phương và đa phương. Điều quan trọng là hai tiến trình này cần có tính tương hỗ với nhau.
Một hướng giải quyết khác được hội thảo bàn đến là hợp tác cùng khai thác. Theo cách này, các bên có thể gác tranh chấp để đi vào hợp tác. Điều kiện để thực hiện điều này, theo các học giả, là các bên phải nhất trí được về khu vực địa lý, lĩnh vực hợp tác, chủ thể và cơ chế hợp tác. Học giả từ Indonesia cho rằng điểm mấu chốt và khó khăn nhất cho cách giải quyết này là cần ý chí chính trị của các bên liên quan.
Theo các học giả, để tiến hành đàm phán giải quyết tranh chấp, các bên liên quan cần xây dựng một số điều kiện ban đầu. Đó là sự đồng thuận trong từng nước để đảm bảo chính sách ổn định và nhất quán, quan hệ tốt và ổn định giữa các bên trên các mặt để tạo không khí và mối quan hệ hợp tác nói chung, ở biển Đông nói riêng.
Vai trò của ASEAN cũng được nhấn mạnh trong vấn đề hợp tác quốc tế và giải quyết xung đột trong khu vực, và quá trình giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải được gắn với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Việc giải quyết tranh chấp biển Đông, theo các học giả, phải được gắn với vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực cũng như sự phát triển hòa bình của Trung Quốc. Một số đại biểu còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên công khai, minh bạch về chiến lược và chi phí quân sự nhằm xây dựng lòng tin. Trước mắt, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho biển Đông.
Theo ban tổ chức hội thảo (Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia VN), những đóng góp từ các công trình nghiên cứu của các học giả, nhà nghiên cứu biển Đông tại hội thảo có giá trị học thuật rất lớn và thông tin từ hội thảo có giá trị cao đối với giới hoạch định chính sách cũng như nhận thức xã hội nói chung.
HƯƠNG GIANG