Saturday, November 28, 2009

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Trung Quốc cần trả lời dư luận về đường Lưỡi bò

* Vấn đề đường chữ U đứt đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền được các học giả nhìn nhận như thế nào, thưa ông? Các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã nói gì về vấn đề này tại hội thảo?

- Bản thân trong giới nghiên cứu của Trung Quốc cũng chưa có sự thống nhất về vấn đề này. Hôm nay, trong trao đổi, phía học giả Trung Quốc cũng chỉ nhắc lại đường biên giới trong vùng nước truyền thống, lịch sử, chủ quyền của Trung Quốc từ lâu. Cũng có nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng chính phủ của họ chưa bao giờ có ý kiến chính thức về đường chữ U đứt đoạn, đó không phải là đường biên giới trên biển mà Trung Quốc chỉ đưa ra thể hiện chủ quyền của mình thôi. Trên thực tế trong những tuyên bố của mình Trung Quốc cũng đầy mâu thuẫn. Đó là những vấn đề các học giả phải trao đổi thêm và phía Trung Quốc cần phải trả lời trước dư luận.

* Việc giải quyết về chủ quyền chắc chắn còn nhiều khó khăn do quan điểm của các bên về vấn đề này đều khá cứng rắn. Qua hội thảo này, theo ông đâu là tính khả thi của việc hợp tác khai thác tại các vùng tranh chấp?

- Nguyên tắc của vấn đề khai thác hợp tác chung ở các vùng chồng lấn tranh chấp đúng là một giải pháp tạm thời mà trong Công ước Luật Biển 1982 đã nêu lên. Hai bên có tranh chấp trên nguyên tắc thỏa thuận đi đến một giải pháp công bằng. Trong lúc còn đang đàm phán hai bên có thể thỏa thuận tạm thời cùng khai thác vùng chồng lấn...

Còn quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không phải là vấn đề các vùng biển mà là chủ quyền lãnh thổ. Phải xác định hiệu lực của các đảo, quần đảo trong việc xác định phạm vi biển của nó ra đến đâu. Từ đó mới tạo ra các vùng chồng lấn với vùng biển của các nước ven biển. Từ đó mới có vùng chồng lấn mà khi hai bên còn đang tranh chấp chưa đi đến quyết định cuối cùng thì có thể hợp tác khai thác ở phạm vi đó. Không thể nói chung chung là hợp tác khai thác. Tranh chấp ở đâu, ở chỗ nào chứ không thể tranh chấp sâu vào các vùng vốn của Việt Nam, Malaysia, Philippines (như cách Trung Quốc đang làm). Đó là điều không thể chấp nhận được vì cơ sở của những tranh chấp này không phải xuất phát từ Công ước Luật Biển mà từ những tài liệu không có cơ sở pháp lý. Bản thân Việt Nam cũng đã áp dụng giải pháp tạm thời đó cùng với Malaysia trong việc ký kết thỏa thuận khai thác chung. Chúng ta rất thiện chí và cầu thị trong việc này để xử lý theo đúng Công ước Luật Biển.

Nhưng để đạt đến hiệu quả trong thực tế phải giải quyết ngay yêu sách tạo vùng chồng lấn xuất phát từ cơ sở nào. Chứ mỗi bên một cơ sở thì chắc chắn sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề, mặc dù các bên ai cũng đều nói rằng sẽ thiện chí giải quyết.

Hương Giang (ghi)