* Yêu cầu Trung Quốc không tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình
Dù tranh chấp ở biển Đông là vấn đề lâu dài và phức tạp, các học giả tham gia hội thảo quốc tế tại Hà Nội đã gợi ý một số giải pháp hướng tới hợp tác, phát triển.
Nguyên nhân gia tăng căng thẳng
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Biển Đông: Tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày qua, nhiều học giả nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực hàng hải và khu vực biển Đông, Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương như Mark J.Valencia, Ramses Amer, Carlyle A.Thayer..., đã đi thẳng vào phân tích nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây ở biển Đông.
Sức mạnh của nền kinh tế, chương trình hiện đại hóa quân đội, nhu cầu năng lượng lớn của Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược giữa nước này với các nước lớn khác được nhìn nhận như là một nguyên nhân làm tăng mối lo ngại của các nước liên quan đối với yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông. Gần đây, việc các nước trong vùng nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đã trở thành dịp để các nước khẳng định chủ quyền, làm dấy lên làn sóng khẳng định - phản đối giữa các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Điển hình nhất là việc Trung Quốc chính thức đưa ra đường Lưỡi bò để phản đối các nước khác nộp báo cáo về thềm lục địa kéo dài. Một số chuyên gia cho rằng yêu sách đường Lưỡi bò của Trung Quốc là không rõ ràng và các căn cứ mơ hồ, khiến tình hình thêm căng thẳng.
Việc nhiều nước tăng cường hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực, như thăm dò và khai thác dầu khí, đánh cá... đã dẫn đến tình trạng tranh đua. Tình hình phức tạp hơn do trong lĩnh vực khai thác dầu khí có sự tham gia của các công ty đa quốc gia. Số lượng ngư dân bị bắt giữ cũng tăng lên. Đặc biệt một số nước có hành động ngược đãi ngư dân.
Một số học giả nhận xét: ngoài việc đưa ra Tuyên bố ASEAN năm 1992 về biển Đông, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC, năm 2002), ASEAN chưa coi vấn đề biển Đông là ưu tiên, chưa thực sự trở thành cơ chế khu vực hữu hiệu trong việc giảm căng thẳng liên quan tới tranh chấp biển Đông. Nhiều ý kiến nhận định rằng khó có một giải pháp cho tranh chấp biển Đông trong thời gian ngắn. Thậm chí có học giả còn cảnh báo nguy cơ xảy ra tình thế “bế tắc gây hại”, theo đó các nước vừa bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp vừa đẩy mạnh các biện pháp khẳng định chủ quyền làm tình hình trở nên phức tạp.