Tạo dựng lòng tin
Tranh chấp là câu chuyện dài, như ông Hoàng Việt, giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Các vấn đề tranh chấp rất phức tạp và việc giải quyết là rất khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian. Thế nên hội thảo này tập trung bàn về hợp tác trong phạm vi có thể”.
Với mục tiêu hướng tới hợp tác, giới học giả cho rằng các bên cần gác lại tranh chấp để đi vào hợp tác. Nhưng vấn đề mấu chốt là các bên làm sao nhất trí được một số điểm chính như khu vực và lĩnh vực hợp tác, chủ thể và cơ chế hợp tác thì vẫn chưa có lời giải cụ thể.
Các học giả cũng cho rằng trước khi có thể đàm phán để giải quyết tranh chấp hoặc hợp tác trong khu vực, cần phải xây dựng một số điều kiện ban đầu thuận lợi cho hợp tác, bao gồm: đồng thuận bên trong từng nước để từ đó có chính sách ổn định và nhất quán; xây dựng mối quan hệ song phương và đa phương có lợi cho hợp tác trên biển Đông; ASEAN vững mạnh, nắm vai trò chủ đạo trong các vấn đề hợp tác quốc tế và giải quyết xung đột khu vực.
Về vai trò của Việt Nam, ông Nazery Khalid, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Công nghiệp và Kinh tế biển Malaysia, nói: “Năm tới, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy đối thoại giữa các bên tranh chấp, giữa ASEAN và Trung Quốc. Cần phải ngồi lại với nhau và có ý chí chính trị thực sự thì mới có thể giảm tranh chấp và hướng tới hợp tác được. Tranh chấp ở biển Đông là vấn đề lâu dài, nhưng chúng ta cần phải hành động hướng về phía trước, chứ không phải níu chân nhau, giằng co nhau bằng các yêu sách chồng chéo”. Ông Khalid cũng cho rằng yêu sách đường Lưỡi bò của Trung Quốc dựa trên những căn cứ không thỏa đáng và điều đó đã tạo ra tranh cãi.
Giáo sư Ian Townsend-Gault, khoa Luật, Đại học British Columbia, Canada, nhấn mạnh: “Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng tranh chấp ở biển Đông có đặc trưng riêng về nhiều mặt, nhưng trong nhiều mặt khác thì không phải thế. Các bên cần tham khảo chuyện giải quyết tranh chấp ở biển Baltic, biển Đen... để áp dụng cho biển Đông”.
Một số đại biểu còn nhấn mạnh yêu cầu các nước, kể cả trong và ngoài khu vực, phải tăng tính minh bạch về chiến lược và chi phí quân sự để giúp xây dựng lòng tin. Trước mắt, Bộ Quy tắc ứng xử cho biển Đông cần phải được tiếp tục xây dựng và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) với các bước về xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột cần được áp dụng vào khu vực biển Đông.
Trong phát biểu bế mạc, các đại biểu Việt Nam và nước ngoài nhấn mạnh rằng hội nghị đã giúp hình thành một khuôn khổ đối thoại của học giới. Các tham luận, ý kiến, đề xuất có thể được giới hoạch định chính sách các nước tham khảo nhằm giải quyết vấn đề biển Đông trên tinh thần hòa bình và hợp tác.
"Năm tới, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy đối thoại giữa các bên tranh chấp, giữa ASEAN và Trung Quốc... Tranh chấp ở biển Đông là vấn đề lâu dài, nhưng chúng ta cần phải hành động hướng về phía trước, chứ không phải níu chân nhau, giằng co nhau bằng các yêu sách chồng chéo"
Nazery Khalid, Trung tâm Công nghiệp và Kinh tế biển Malaysia