Tờ Le Monde hôm nay cũng nhìn sang Trung Quốc, nhưng quan tâm đên hiện tượng trưng thu nhà cửa gia tăng, gây phản ứng mạnh nơi người dân tuyệt vọng.
Le Monde ghi nhận là tranh chấp liên quan đến các vụ trưng thu nhà đất tăng cao đến nỗi chính quyền đã phải ra một quy định mới vào cuối giêng, theo đó người có nhà bị trưng thu phải viết đơn cho đến ngày 12/02, để chính quyền tính khoản bồi thường, và không ai sẽ bị trục xuất trước khi có kết quả các vụ kiên cáo.
Theo Le Monde, đây là hậu quả của kế hoạch kích thích kinh tế Trung Quốc. Kế hoạch đươc xem là sẽ giúp ngăn chặn bất ổn định xã hội, nhưng đang mang lại hệ quả ngược lại, do phải trưng thu nhà, trục xuất nhanh người ở để xây dựng hạ tầng cơ sở ghi trong kế hoạch, ngân sách.
Lãnh đạo điạ phương thu lợi trong việc bán đất, đang tranh thủ giá lên cao, do những khoản tiền chính phủ đổ vào các tập đoàn nhà nước. Dân chúng ngược lại sống trong nỗi lo âu. Tình hình này dẫn đến những sự kiện chết người đáng tiếc trong những vụ chống lại việc nhà đất bị trưng thu..
Le Monde nêu ví dụ một người đàn ông bị thiệt mạng ở Quảng Tây vào ngày 12/01. Ở Quảng Đông, người dân dùng sức chống lại những kẻ đến phá hủy nhà của họ, khiến cho nhiều người bị thương ngày 18/01 vừa qua. Vụ thương tâm nhất và gây chấn động dư luận Trung Quốc là cảnh một phụ nữ tự thiêu trên nóc nhà ở Thành Đô, tháng 11 năm ngoái, để phản đối những người đến phá nhà của bà đã bị trưng thu.
Tìm hiểu những hành động tuyệt vọng của người dân, qua bạo động hay tự hại mình như nói trên, Le Monde trích dẫn một giáo sư luật ở Đại học Bắc Kinh, ông Chen Duanlong, giải thích rằng : ''Ở Trung Quốc, khái niệm trưng thu được hiểu như là một quyền sử dụng bạo lực. Và sự kiện một người chủ nhà phải tự thiêu có nghiã là họ gặp bế tắc''.
Người mà nhà hay đất bị trưng thu có thể làm gì ? Kiến nghị không xong, kiện cũng không được, khi mà chính quyền chính là người đứng ra trưng thu và kiểm soát hệ thống tư pháp. Cho nên theo ông Chen, nguời dân chỉ còn con đường bạo động và hành động tuyệt vọng. Đối với ông, phải xem xét lại, thay đổi hẳn luật trong vấn đề mua bán này, và người dân phải có lối thoát bằng con đường luật pháp, có khả năng kháng cáo nếu thấy mình bị xử ép.