Nhật báo Pháp La Croix hôm nay đã chú ý đến ngành xuất khẩu, mà theo tờ báo, sẽ khó lòng mang lại thặng dư mậu dịch cho nước Pháp như trước đây.
La Croix ghi nhận những khoản thâm thủng mậu dịch kỷ lục liên tiếp trong nhiều năm gần đây, phản ánh thực trạng là cỗ xe xuất khẩu của Pháp đang bị hỏng máy : thâm thủng thương mại Pháp năm 2008 đã đạt kỷ lục : 55,5 tỷ euros. Qua năm 2009, tình hình có thể giảm nhẹ đôi chút, nhưng cũng ở mức 48 tỷ. La Croix nhắc lại năm cuối cùng mà Pháp có thặng dư mậu dịch là năm 2003.
Nhật báo Pháp công nhận là Paris đã ký nhiều hợp đồng lớn từ Airbus, xe lửa cao tốc TGV, cho đến năng lượng hạt nhân. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã lấy làm tự hào là từ năm 2007, Pháp đã ký 1 số hợp đồng lớn nhiều gấp đôi so với 10 năm trước đó. Thế nhưng theo La Croix, các hợp đồng đó bình quân chỉ chiếm 10% trị giá xuất khẩu và mang về khoảng 30 tỷ euros mỗi năm..
Về phần còn lại, liên quan đến các mặt hàng chế biến thì khác, Pháp có dấu hiệu ngày càng mất sức cạnh tranh và mất thị phần so với các đối thủ kinh tế khác như Đức chẳng hạn.
Đi ngược về năm 1995, La Croix ghi nhận là xuất khẩu của Pháp lúc ấy còn chiếm 5,8% tổng trị giá xuất khẩu thế giới. Đến năm 2008, tỷ lệ này chỉ còn 3,8%. So với các nước láng giềng Châu Âu, trong khoảng từ năm 2000 đến 2008, xuất khẩu Pháp từ 16,8 % giảm xuống còn 13,2% : tính theo trị giá thì xuất khẩu Pháp đã giảm 100 tỷ euros.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên làm cho ngành xuất khẩu Pháp suy yếu là cách hoạt động của các công ty : số công ty thực sự chuyên xuất khẩu không nhiều, chỉ khoảng 1 phần 20 các công ty Pháp, và thường là các công ty lớn. Trong lúc đó thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu và không sáng tạo, chỉ tập trung vào một số mặt hàng, và chỉ quanh quẩn ở một số quốc gia gần Pháp mà thôi.
Yếu tố thứ hai được nêu bật là mức thuế ở Pháp quá cao, cao gấp hai lần so với Đức. Yếu tố thứ 3, cũng góp phần vào việc tạo ra thâm thủng mậu dịch đó là cách vận hành của các tập đoàn hàng đầu của Pháp, gồm 35 trên tổng số 500 đại công ty của thế giới. Trên mặt này thì Pháp đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ. Thế nhưng, vấn đề bất lợi là các tập đoàn này, để giành thêm thị phần mới, đã thiết lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài, nơi chí phí sản xuất thấp hơn. Các mặt hàng do họ làm ra lại bán ngược về thị trường Pháp.