Pages

Sunday, January 16, 2011

Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates thắng lớn khi sang Trung Quốc

Truyền thống của Trung Hoa thường hay phô trương sức mạnh khi đón tiếp sứ thần nước ngoài, không ngờ lần này bị Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates dùng “gậy ông đập lưng ông” đem lại thiệt hại đáng kể về ngoại giao.


Vào tuần lể trước cuộc viếng thăm của ông Gates các trang mạng Hoa Lục tung ra ảnh chụp của mẫu phi cơ khó bị phát hiện (stealth) J-20 như một lời cảnh báo không chính thức rằng Trung Quốc có khả năng chế tạo các loại vũ khí tối tân nhất không thua gì Hoa Kỳ.

Vài giờ trước khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates gặp Chủ Tịch Nhà Nước Hồ Cẩm Đào các trang mạng lạI tung ra đoạn phim của chiếc J-20 bay thử nghiệm để chứng tỏ ngành kỹ thuật này của Hoa Lục đã trưởng thành hơn nhiều dự đoán của Tây Phương.

Khi ông Gates nêu lên mối quan tâm của Mỹ về việc thử máy bay thì Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tỏ vẻ ngạc nhiên – không biết là giả đò hay bị bất ngờ thật sự – lúng túng một lúc rồi mới trấn an rằng việc bay thử hoàn toàn ngẫu nhiên chớ không phải được chuẩn bị trước như một cử chỉ thách đố với vị Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ.

Sau buổi họp và khi đến Nhật Bản, Bộ Trưởng Gates đưa ra vấn đề là liệu giới cầm quyền dân sự Bắc Kinh có hoàn toàn kiểm soát được thành phần quân đội tại Trung Quốc hay không? Cách ứng xử tuy nhẹ nhàng và ngoại giao nhưng lại hết sức nghiêm khắc vì Hoa Lục trong tư thế cường quốc hàng đầu không thể bị thế giới đánh giá có chính sách ngoại giao và quân sự bất nhất – hơn nữa trong hoàn cảnh các thử thách phiêu lưu của Bình Nhưỡng, một đàn em của Bắc Kinh hiện đang đe doạ đưa bán đảo Triều Tiên vào chiến tranh.

Vì những quyền lợi kinh tế và chính trị nên Hoa Kỳ và Nhật Bản đã không thể ra mặt liên minh quân sự đối đầu với Trung Quốc, nhưng giờ đây Bộ Trưởng Gates đã có thể kêu gọi sự hợp tác của hai nước để đối phó với những “bất ngờ” trong khu vực. Bước kế tiếp là Mỹ sẽ tạo cơ hội cho hai nước Nam Hàn và Nhật Bản bỏ qua các hiềm khích trong quá khứ để hợp tác phòng thủ khu vực Đông Bắc Á.

Theo tin tức cho biết ông Dương Thiết Trì sẽ mất chức Ngoại Trưởng vì bị “phục kích” tại Hà Nội vào tháng 07-2010 khi Ngoại Trưởng Hillary Clinton và các nước ASEAN xác định lợI ích của Hoa Kỳ và thế giới tại khu vực tranh chấp biển Đông. Không biết Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lần này có sẽ thay đổi nhân sự hay không vì thất bại không nhỏ vừa qua.

Ông Robert Gates là một trong các nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và hiệu quả nhất của Hoa Kỳ, và ông đã thắng lợi trên mặt ngoại giao cho dù đang nắm giữ chức Bộ Trưởng Quốc Phòng.

Friday, January 14, 2011

Ai thực sự kiểm soát quân đội Trung Quốc?

Động thái cho bay thử máy bay thế hệ mới J20 trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Trung Quốc đang làm dấy lên nhiều nghi vấn.

Tờ New York Times (NYT) số ra ngày 12/1 đã đặt ra câu hỏi rằng ai mới là người kiểm soát thực sự bộ máy quân sự Trung Quốc sau sự kiện nước này tiến hành bay thử máy bay tiêm kích tàng hình J-20 giữa lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang công du Bắc Kinh.

Lãnh đạo Trung Quốc có bất ngờ về vụ thử J20?


Theo NYT, vài giờ trước khi Bộ trưởng Robert Gates gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã cho bay thử máy bay thế hệ mới J20. Và ngay trong cuộc họp, ông Gates đã đề nghị trao đổi về vụ thử máy bay trong cuộc gặp với ông Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, lãnh đạo của Trung Quốc cùng các cộng sự tỏ ra khá ngạc nhiên về yêu cầu này và lúng túng không trả lời.



NYT cho hay, phát biểu với các nhà báo sau cuộc gặp với ông Hồ Cẩm Đào, Bộ trưởng Gates cho hay: “Các lãnh đạo dân sự Trung Quốc khá ngạc nhiên trước vụ thử này”.

Với chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương, sự ngạc nhiên của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào được tờ NYT đánh giá là bất thường. Báo này cũng dẫn ý kiến của Joseph S. Ney Jr, Giáo sư ở Đại học Havard, cho rằng ông không ngạc nhiên về việc ông Hồ Cẩm Đào không có thông tin về vụ thử máy bay trên. Theo chuyên gia này, "quân đội Trung Quốc thường xuyên có chương trình hoạt động thường nhật của họ mà không cần đến sự chấp thuận của lãnh đạo chính trị".

Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc hoạt động một cách độc lập. Năm 2007, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã không thể nào trả lời các câu hỏi của phía Mỹ về vụ quân đội Trung Quốc bắn thử loại tên lửa phá hủy vệ tinh.

Mạng phân tích thông tin chiến lược "Stratfor" cũng cho rằng vụ thử J-20 là một ví dụ nữa cho những rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của Trung Quốc. Từ lâu, ở Trung Quốc đã có tin đồn rằng các quan chức quân đội cấp cao ngày càng quyết đoán về chính trị, và các lãnh đạo dân sự cấp cao không được đánh giá cao vì không có kinh nghiệm quân sự.

Trong khi đó, hãng Reuters nói rằng, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Bộ trưởng Quốc phòngMỹ Robert Gates đã trực tiếp đặt vấn đề về cuộc thử nghiệm J20 củaTrung Quốc. Ông Hồ Cẩm Đào khẳng định cuộc thử nghiệm này đã được lên kếhoạch từ trước.

Trung Quốc vẫn coi Mỹ mối hiểm nguy lớn nhất

Bất chấp chuyến thăm của Bộ trưởng Gates nhằm cải thiện quan hệ song phương, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã bày tỏ sự lo ngại về những loại vũ khí mà Bắc Kinh mới công bố như tên lửa hành trình chống hạm hay máy bay J20.



Tên lửa Đông Phong

Đô đốc Mike Mullen nói: "Trung Quốc đang đầu tư vào khả năng công nghệ rất cao, và câu hỏi đặt ra là chúng ta phải cố gắng hiểu chính xác lý do tại sao. Chính sự mập mờ đó là điều mà tôi muốn chúng ta phải tìm hiểu rõ".

Đô đốc Mike Mullen đặc biệt lo ngại tại sao Trung Quốc lại thúc đẩy phát triển các loại vũ khí công nghệ cao, cho dù đó là tên lửa chống vệ tinh hay tên lửa đối hạm. Đô đốc Mike Mullen nói: "Rất nhiều trong số những vũ khí này dường như nhằm riêng vào Mỹ, chính vì vậy mà tại sao mối quan hệ quân sự này lại quan trọng như vậy".

Trung Quốc: Phát triển vũ khí để phòng thủ đất nước


Đáp lại những lo ngại từ phía Mỹ về các chương trình vũ khí mới của Trung Quốc, trong đó có việc thử nghiệm máy bay tiêm kích tàng hình J20, Bắc Kinh khẳng định việc tăng cường sức mạnh của họ là hoàn toàn chính đáng.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh ngay sau khi thử nghiệm thành công J20, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Với sự phát triển công nghệ mạnh mẽ và yêu cầu quốc phòng đặt ra, việc nâng cấp các loại vũ khí là hoạt động hết sức bình thường đối với mỗi quốc gia. Việc phát triển vũ khí của Trung Quốc hoàn toàn nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền”.

Ông Hồng Lỗi cũng nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quân sự của cả Mỹ và Trung Quốc phải dựa trên và bảo đảm nền tảng ổn định chính trị. Điều đó có nghĩa là hai nước phải tôn trọng an ninh, chủ quyền và các lợi ích phát triển của nhau. Phía Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng sẽ cùng với Mỹ có những biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển lành mạnh.

Trà My - Bảo Minh (Tổng hợp)